VIỆT KIỀU MUA NHÀ ĐẤT TẠI VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO?

Hộ chiếu
LuatsuDiaoc.com - Có thể khằng định Luật Nhà ở 2014 đã có những quy định "rất mở" nếu không muốn nói là "quá mở" cho đối tượng là Việt kiều (người Việt Nam định cư ở nước ngoài) được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Những quy định này sẽ đáp ứng được mong muốn và nhu cầu sở hữu bất động sản ở quê nhà của Việt kiều là rất lớn, trước giờ họ chịu rất nhiều rủi ro để có thể "sở hữu" nhà ở tại Việt Nam, đó là thông qua nhờ người thân quen đứng tên.

>> Điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai
>> Chuyển nhượng Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai
>> Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam
>> THỦ TỤC VIỆT KIỀU MUA NHÀ TẠI VIỆT NAM

Quy định về quyền sở hữu nhà ở của Việt kiều được quy định tại Luật Nhà ở 2014 cụ thể như sau:

1. Đối tượng: Tất cả các đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam đều được mua nhà đất tự do tại Việt Nam.

Giấy tờ chứng minh: là người Việt Nam định cư ở nước ngoài để được mua nhà với tư cách là người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:

a. Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu;

b. Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị, có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy tờ xác nhận là gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

(*) Nếu không chứng minh được mình là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải mua nhà tại Việt Nam với tư cách là người nước ngoài với một số hạn chế nhất định.

2. Loại bất động sản được quyền sở hữu: nhà ở thương mại, nhà ở riêng lẻ (nhà phố) và được quyền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật (không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đất thổ cư bình thường) ngoài các trường hợp nêu trên).

3. Thời hạn sở hữu: ổn định lâu dài như Công dân Việt Nam.

4. Số lượng sở hữu: Không hạn chế về số lượng sở hữu.

5. Quyền và nghĩa vụ: có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như các chủ thể khác (giống người Việt Nam) bao gồm cả nghĩa vụ về thuế và cũng không quy định thời gian sỡ hữu tối thiểu. Nghĩa là Việt kiều được mua nhà đất và bán lại bất cứ lúc nào muốn và không có ràng buộc gì thêm. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì Việt kiều có đầy đủ các quyền để đầu tư (mua đi bán lại) kiếm lợi từ việc mua bán nhà đất trên cơ sở cá nhân mình.
Bên cạnh đó thì Việt kiều cũng được quyền cho thuê, cầm cố, thế chấp, tặng cho,... đối với nhà đất thuộc sở hữu/sử dụng của mình.

Sau đây là một số quy định cụ thể của pháp luật liên quan đến vấn đề cho Việt kiều được quyền mua nhà đất tại Việt Nam như sau: 

LUẬT NHÀ Ở 2014

Điều 7. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này.

Điều 8. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.
2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:
a)  Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;
c) Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật này.

Điều 119. Điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở
b) Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.

LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

Bên cạnh thì tại Điều 169 khoản 1 điểm đ của Luật đất đai 2013 cũng có quy định để khẳng định quyền sử dụng đất của Việt kiều khi sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Điều 169. Nhận quyền sử dụng đất
1. Người nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
đ) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở;

NGHỊ ĐỊNH 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở 2014

Điều 5. Giấy tờ chứng minh đối tượng được sở hữu nhà ở

1. Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) thì phải có giấy tờ xác định nhân thân đối tượng theo quy định về cấp Giấy chứng nhận của pháp luật đất đai.

2. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có giấy tờ theo quy định sau đây:
a) Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu;
b) Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có giấy tờ chứng minh đối tượng theo quy định tại Điều 74 của Nghị định này; trường hợp cá nhân nước ngoài có giấy tờ xác nhận là gốc Việt Nam thì chỉ được quyền lựa chọn một đối tượng áp dụng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc cá nhân nước ngoài để xác định quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

---
Trên đây là một số ý kiến pháp lý của LuatsuDiaoc.com liên quan đến vấn đề mua nhà đất tại Việt Nam của Việt kiều theo các quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ Luật sư của chúng tôi để hỗ trợ trong quá trình thực hiện công việc xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ một cách tốt nhất.

>> CÁC DỊCH VỤ LUẬT SƯ ĐỊA ỐC
>> LIÊN HỆ LuatsuDiaoc.com

Bài viết của LuatsuDiaoc.com
Share on Google Plus

Luật sư Địa ốc

Luật sư chuyên về Bất động sản, tư vấn pháp luật bất động sản và các vấn đề pháp lý, thủ tục liên quan.

Comment!

0 comments:

Post a Comment