Những điều cần lưu ý khi mua đất nền dự án (phần 2)

Đất nền dự án có ưu thế mạnh nhất là giá rẻ và có khả năng sinh lời trong tương lai rất cao nếu người đầu tư biết nắm bắt thời điểm. Tuy nhiên, bất cứ việc đầu tư nào cũng sẽ có một xác suất rủi ro nhất định và đây là ba mối nguy thường gặp cần lưu ý nhất khi đầu tư vào đất nền. Vậy, để biết được mua đất dự án có an toàn không còn phải xem xét một số yếu tố như:

Năng lực chủ đầu tư dự án: Phần lớn các dự án đất nền hiện nay khi đưa ra rao bán, góp vốn chỉ mới ở giai đoạn san lấp và giải phóng mặt bằng, chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết, vị thế lô đất cũng chỉ là trên mặt giấy. Một dự án đất nền được giao dịch hợp với pháp lý là khi đã đảm bảo hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, được đánh dấu đo đạc, cắm mốc ranh giới, có bản thiết kế sẵn sàng được Sở Xây dựng phê duyệt. Do đó, nắm được đầy đủ thông tin năng lực chủ đầu tư dự án là cách tốt nhất để giảm tránh rủi ro việc trễ hạn giao mặt bằng, hoặc thay đổi quy hoạch không báo trước, không thương lượng được. Những vấn đề về năng lực chủ đầu tư dự án mà người mua cần xem xét đến như: Tiềm lực kinh tế của chủ đầu tư (chủ đầu tư có biện pháp bảo đảm tài chính nào không?); Thời gian hoạt động (Những chủ đầu tư hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực đã được rèn giũa qua thời gian, có kinh nghiệm vận hành và xử lý các rủi ro giúp phát triển dự án bất động sản một cách trơn tru và an toàn hơn); Dự án đã triển khai (Uy tín của chủ đầu tư được phản ánh thông qua các dự án đã bàn giao và đi vào hoạt động. Chất lượng, tiến độ các dự đó ra sao, có điều tiếng gì không… là những điều người mua cần xem xét); Danh sách đối tác (Một trong những thước đo đánh giá mức độ uy tín của chủ đầu tư chính là các đơn vị mà chủ đầu tư hợp tác cùng. Nếu đó là những sàn bất động sản uy tín, phân phối nhiều sản phẩm trên thị trường, luôn cung cấp thông tin minh bạch tới khách hàng thì đây được xem là một điểm cộng của chủ đầu tư); Tính pháp lý của dự án (Chủ đầu tư uy tín phải đảm bảo về tính pháp lý của dự án đối với người mua, cung cấp đầy đủ các thông tin, văn bản về dự án khi khách hàng yêu cầu. Người mua, người đầu tư cũng cần chú ý tới cách chủ đầu tư truyền tải, cung cấp thông tin về dự án có chuyên nghiệp không nhằm xác định năng lực và uy tín của chủ đầu tư).



Giao dịch với giấy tờ rõ ràng: Theo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) bắt đầu từ 01/01/2007 mọi giao dịch kinh doanh BĐS đều phải thông qua sàn, tuy nhiên cho đến nay trong chính sách quản lý thị trường bất động sản của các cơ quan ban ngành liên quan vẫn chưa có một quy định hay thông tư chính thức nào về việc xem xét thế nào là một sàn giao dịch chuẩn, vì vậy dễ nảy sinh hiện tượng bát nháo các sàn.


Người mua đất nền thực hiện quy trình giao dịch do nhân viên kinh doanh của sàn phân phối dự án hoặc cá nhân môi giới chỉ dẫn, để giao dịch được rõ ràng, khi bắt tay vào giao dịch, người mua cần chủ động đưa ra các yêu cầu trình những giấy tờ cần thiết chứng minh về vị trí dự án, giá trị lô đất, năng lực chủ đầu tư, giấy ủy quyền môi giới về việc ký kết hợp đồng, đồ án quy hoạch, thiết kế xây dựng dự án tương lai, thủ tục pháp lý, …


Hồ sơ pháp lý: Bên cạnh yếu tố uy tín của các đơn vị kinh doanh, thì tính pháp lý của sản phẩm là nội dung quan trọng nhất. Người mua cần phải xem dự án lô đất mà mình chọn đã có quyết định giao đất của các cấp có thẩm quyền và đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 cùng những thủ tục giấy tờ khác hay chưa. Đặc biệt, người mua cần phải biết theo Văn bản hướng dẫn UBND các quận, huyện và các cơ quan liên quan giải quyết việc điều chỉnh mẫu nhà trong các dự án nhà ở đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, thì chủ đầu tư phải xây dựng đúng mẫu nhà đã được thẩm định thiết kế và phù hợp với định hướng không gian kiến trúc cảnh quan đã được phê duyệt, tức chủ đầu tư đất không được phân lô bán nền, mà buộc họ phải đầu tư xây nhà hoàn chỉnh rồi mới được bán. Tuy vậy, trên thực tế do nguồn vốn ít nên đã có những chủ đầu tư lách quy định này bằng hợp đồng góp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và góp vốn xây dựng nhà ở, dù trên giấy tờ giao dịch giữa chủ đầu tư và khách hàng vẫn là mua đất nền, những người mua đất nền đầu tư thay vì triển khai xây nhà, lại sang nhượng hợp đồng góp vốn. Do vậy, việc xây dựng một khu dân cư hoàn chỉnh như phương án ban đầu sẽ khó thành, đồng thời khi tranh chấp hợp đồng xảy ra thì pháp luật không thể bảo vệ được người mua.


Xem xét tính pháp lý của đất nền dự án: Cần đáp ứng điều kiện tiến hành phân lô bán nền theo quy định pháp luật: Khoản 1 điều 194 Luật đất đai 2013 đã chỉ rõ: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy định của Chính phủ về điều kiện loại đô thị để cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô sau khi đã hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và nghĩa vụ tài chính về đất đai. Như vậy, chủ đầu tư phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thì mới có thể tiến hành thực hiện dự án. Sau khi được cho phép thực hiện dự án và đã có Quyết định về viêc được bán lô nền thì doanh nghiệp là chủ dự án được thực hiên các công việc cần thiết như công bố thông tin, giới thiệu đến người dân; hoặc có thể tiến hành bán đầu giá theo quy định của pháp luật.


Khoản 17 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP quy định cụ thể hơn: 

1. Điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, bao gồm:
a) Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải;

b) Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có);

c) Dự án thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền quy định tại khoản 2 Điều này;

d) Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản và nhà ở.

2. Chủ đầu tư dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại khu vực không nằm trong địa bàn các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc Trung ương; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức công bố công khai các khu vực được thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trước khi tổ chức thực hiện các dự án đầu tư.”

 


Share on Google Plus

Luật sư Địa ốc

Luật sư chuyên về Bất động sản, tư vấn pháp luật bất động sản và các vấn đề pháp lý, thủ tục liên quan.

Comment!

0 comments:

Post a Comment